Góc phụ huynh

Điều tuyệt vời ở trường mầm non "không áp đặt trẻ, tôn trọng suy nghĩ khác biệt"

14 Tháng Năm 2020          714 lượt xem

 

 (Nguồn Đỗ Thơm - giaoduc.net)
 
(GDVN) - Một buổi sáng giữa tháng 5, bất ngờ trời Hà Nội đổ mưa rào nhưng bé Dâu (4 tuổi) vẫn nhất mực muốn bố mẹ cho đến trường.

Nhà bé Dâu ở phía bên kia cầu Nhật Tân còn trường mầm non bé theo học ở trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy – Hà Nội).

Vào những ngày mưa, quãng đường di chuyển thường bị tắc cả tiếng đồng hồ.

Các cô đón trẻ và kiểm tra thân nhiệt khi học sinh quay trở lại trường sau đợt nghỉ dịch Covid-19. Ảnh nhà trường cung cấp

Điều đó khiến tôi khá tò mò ở trường Mầm non thực hành Hoa Thủy Tiên (ngôi trường bé đang theo học) có gì lôi cuốn con đến vậy.

Bởi sau hơn 3 tháng nghỉ phòng tránh dịch Covid-19, để trẻ mầm non quay lại nhịp sống thường ngày không phải chuyện dễ.

Cô Trương Thị Minh Phượng – Hiệu trưởng nhà trường chăm sóc các con trong bữa ăn sáng đầu tiên ở trường. Ảnh tư liệu: Nhà trường cung cấp

Không có trẻ sai, chỉ là ý kiến trẻ chưa phù hợp

Khá thú vị, ngay khi vào trường, tôi đã được chứng kiến một điều bất ngờ.

Ngoài trời mưa, thay vì việc trẻ ngồi trong lớp theo kế hoạch đã lên từ trước thì trẻ được ra hành lang, được ngắm mưa rơi.

Các con được quan sát cây cỏ, thiên nhiên, cảnh vật xung quanh ra sao khi trời đổ mưa. Các cô giáo của trường chia sẻ với tôi, đó là “kế hoạch phát sinh” trong giáo dục.

Không chỉ với hôm thời tiết thay đổi mà Ban giám hiệu nhà trường luôn trao quyền chủ động tổ chức hoạt động của lớp học cho giáo viên dựa trên khung kế hoạch mà nhà trường đã đề ra.

Theo chia sẻ của cô Trương Thị Minh Phượng – Hiệu trưởng Trường Mầm non thực hành Hoa Thủy Tiên, tỉ lệ trẻ đến lớp trong tuần đầu đi học lại của trường đều đạt hơn hơn 90%.

“Có những phụ huynh chuyển nhà từ quận Cầu Giấy sang Gia Lâm; Đông Anh nhưng quyết định không chuyển trường mầm non cho con.

Các mẹ chia sẻ với chúng tôi là vì con họ muốn học ở đây. Lý do của các con khá đơn giản là vì con thấy vui.

Các con vui vì những lý do giản dị như được ăn buffet, được chơi, được tham gia nhiều hoạt động, được nói chuyện với thầy cô người nước ngoài, được khám phá khoa học, được gần gũi thiên nhiên…

Đó là động lực để tập thể nhà trường, cố gắng, nỗ lực hết mình tận tâm chăm sóc, giáo dục, yêu thương các con”, cô Phượng tâm sự.

 
Các con cùng khám phá, trải nghiệm với giáo viên. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngôi trường Mầm non thực hành Hoa Thủy Tiên được thành lập từ tháng 02 năm 2001, là trường Thực hành của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.

Nhà trường có nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ trong độ tuổi mầm non với chất lượng cao;

Hướng dẫn thực hành, thực tập cho sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương và sinh viên Quốc Tế;

Nghiên cứu và ứng dụng các đề tài khoa học về chăm sóc giáo dục trẻ mầm non.

Nhà trường mong muốn là nơi khơi nguồn những ý tưởng sáng tạo cho trẻ; truyền cho trẻ niềm đam mê học tập suốt đời, chuẩn bị cho trẻ hành trang để trở thành công dân toàn cầu.

Có lẽ với những có sở trên nên nhà trường có những quan điểm giáo dục mà rất nhiều phụ huynh Việt Nam mong muốn cho con được học tập tại đây.

Một khoảnh khắc xúc động được giáo viên ghi lại khi các con quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Ảnh nhà trường cung cấp

Ở đây, giáo viên không bao giờ đưa ra nhận định trẻ trả lời sai, không có bức tranh nào của các con vẽ xấu cả. Chỉ có ý kiến hay, ý kiến phù hợp, chưa phù hợp.

Các cô luôn động viên, khích lệ trẻ để trẻ được tự tin, thể hiện bản thân.

Cô Phượng dẫn chứng, đơn giản như hoạt động về khám phá khoa học “vật chìm – vật nổi”.

Các con sẽ được hoạt động theo nhóm nhỏ 2-3 bạn, cùng nhau hoạt động trải nghiệm với một số đồ vật có chất liệu khác nhau được thả vào nước và quan sát, phân loại xem vật nào chìm, vật nào nổi.

Các nhóm được cùng nhau thảo luận, nói ra cảm nhận, suy nghĩa của mình, tự đi tìm câu trả lời tại sao?

Cô giáo sẽ là người giúp trẻ tổng hợp ý kiến và chốt lại các vấn đề.

Trong các hoạt động cô giáo là người định hướng, đặt ra các câu hỏi mở để kích thích trẻ tư duy và phát huy tính sáng tạo.

Cùng là hoạt động giống nhau nhưng nếu giáo viên dạy bằng cách cô hỏi trẻ trả lời và đặt ra các câu hỏi đóng, chỉ đúng hoặc sai thì sẽ khác.

Nhưng nếu cô giáo trao cho trẻ cơ hội được tham gia hoạt động trải nghiệm, đặt ra các câu hỏi mở để trẻ suy nghĩ, được nói ra suy nghĩ của mình thì sẽ kích thích tư duy khơi gợi sự chủ động, thích thú của trẻ.

Bất kỳ câu hỏi nào cô đưa ra thì các con phải là người khám phá, tự tìm câu trả lời.

Cô chỉ chốt lại từ các ý kiến của trẻ, tìm ra những ý kiến phù hợp, giúp trẻ cảm thấy hoạt động có ý nghĩa, chứ không phải cô bắt mình làm, để tự trẻ thấy có nhu cầu khám phá.

Điều này giúp các con hứng thú tham gia các hoạt động cùng cô.

Thông thường, phụ huynh thích con vẽ bức tranh, tô đường viền rõ ràng, màu sắc đẹp nhưng có bức tranh con tô toàn màu đen và có 1 chú cá như đang chìm trong đó.

Các cô sẽ trò chuyện, hỏi trẻ để biết ý tưởng của con là gì? Trẻ nói đó là nước bẩn, màu đen thui vì ô nhiễm môi trường, cô giáo sẽ ghi chép và chia sẻ với phụ huynh.

Vì thế, phụ huynh hiểu được suy nghĩ, sự phát triển của con và rất thích thú với điều đó.

Theo cô Phượng, để làm được điều này giáo viên phải là người hiểu trẻ, cần có kỹ năng quan sát và đánh giá trẻ. Đó là một trong những kỹ năng quan trong nhất trong quá trình giáo dục trẻ.

Điều này được các cô giáo ở trường học hỏi từ các chuyên gia Singapore ngay từ ngày đầu nhà trường thành lập.

Cô Phượng tâm sự, trong những năm gần đây quan điểm dạy học “lấy trẻ làm trung tâm” được quan tâm nhiều hơn ở các trường học, nhưng đối với nhà trường, quan điểm đó được triển khai ngay từ những ngày đầu tiên.

Chính vì thế giáo viên nhà trường đã rất “ngấm” quan điểm này và quan tâm đến từng cá nhân trẻ cũng như phát huy thế mạnh và hứng thú của trẻ dựa trên nhu cầu và khả năng của trẻ.

 

Đi học như vậy bảo sao các bạn nhỏ không vui. Ảnh nhà trường cung cấp

Các con được tự do trong khuôn khổ

Ở đây, Ban giám hiệu không khuyến khích giáo viên tổ chức lớp học theo hình thức ngồi trong lớp cả giờ học, mà giờ học luôn được xen kẽ tĩnh – động và được tổ chức thông qua các trò chơi.

Cũng không khuyến khích trẻ phải quá nề nếp trong giờ học như là ngồi im nghe cô nói, cô gọi, học sinh mới trả lời.

Với trẻ mầm non, nếu đợi giơ tay, được gọi và nói “con thưa cô” xong có khi trẻ đã quên mất câu trả lời rồi.

Có những câu hỏi, trẻ sẽ được tự do nói. Tuy nhiên cô giáo luôn dạy trẻ biết cách lắng nghe và chờ đến lượt.

Để làm được những điều trên thì nhà trường phải có đội ngũ giáo viên chất lượng. Nguồn nhân lực lại là một thế mạnh của nhà trường.

"Nguồn tuyển giáo viên của trường đều là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, yêu nghề, mến trẻ, có năng lực sư phạm được lựa chọn từ trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.

Đó là điều kiện quan trọng bậc nhất để làm nên uy tín, chất lượng giáo dục, chăm sóc của trường”, cô Phượng nhấn mạnh.

Sau khi ra sân thấy thời tiết rất đẹp, cô trò bàn nhau xin bác Hiệu trưởng được ăn trưa ngoài sân. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Trẻ thích thú với từng bữa ăn ở trường

Không chỉ ấn tượng với quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”, mà chúng tôi còn ấn tượng với từng bữa ăn của trẻ ở đây.

Như chia sẻ của cô Phượng, các con dùng bữa phải thích thú chứ không phải ở trạng thái “bắt phải ăn”.

Vì thế, nhà trường rất chú tâm đến khẩu phần ăn của trẻ, tổ chức bữa ăn trong không khí thoải mái nhất.

Sự động viên khích lệ của cô giáo và những bản nhạc nhẹ nhàng du dương sẽ khiến cho bữa ăn của các con đúng nghĩa là thưởng thức.

Toàn bộ thực phẩm nhà trường dùng hàng ngày đều là đồ tươi sống, rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

"Mỗi trẻ đều được các cô chuẩn bị hộp hoa quả riêng để ăn vào hơn 9h sáng. Mỗi bữa ăn chính đều có 3 món ăn mặn để các con lựa chọn theo sở thích.

Mỗi tháng nhà trường tổ chức một bữa buffet cho học sinh toàn trường.

Ở đó, các con sẽ được hướng dẫn cách ăn buffet, được tìm hiểu về thức ăn, dạy trẻ văn hóa ăn buffet, thưởng thức món ăn…

Chính vì thế, sau đợt nghỉ dịch Covid-19 khi quay trở lại trường, khi được hỏi nhớ gì nhất, có bé đã nói “nhớ buffet”, cô Phượng cười vui chia sẻ.

Mỗi tháng một lần, học sinh toàn trường sẽ ăn buffet ở sân trường. Ảnh nhà trường cung cấp

Đặc biệt, tổ dinh dưỡng của nhà trường còn có chế độ chăm sóc cho trẻ thừa cân - thiếu cân. Cụ thể, với trẻ thừa cân, vào 10h sáng mỗi ngày, trẻ được tăng cường vận động và được thay đổi chế độ dinh dưỡng phù hợp với mỗi cá nhân trẻ.

Hè đến là một lớp học trò sắp tạm biệt mái trường thân yêu để bước vào tiểu học. Những thầy cô giáo ở đây vẫn âm thầm là “người đưa đò”.

Như tâm sự của Hiệu trưởng nhà trường, Mầm non thực hành Hoa Thủy Tiên sẽ luôn là nơi thắp lửa yêu thương để mỗi gia đình lựa chọn học tập tại đây sẽ cho con những trải nghiệm tuyệt vời trong quảng thời gian đi học đầu đời.

 

Thông tin website

TRANG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG MẦM NON THỰC HÀNH HOA THỦY TIÊN
+ Cơ quan chủ quản: Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.
+ Người chịu trách nhiệm chính: Trương Thị Minh Phượng.

Địa chỉ: 387 Hoàng Quốc Việt - Cầu Giấy - Hà Nội.
Điện thoại: (024) 37915421 - (024) 3 7916334.
Email: admin@hoathuytien.edu.vn
Website: http://hoathuytien.cdsptw.edu.vn

Ghi rõ nguồn "http://hoathuytien.cdsptw.edu.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.