Quan điểm chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường là lấy trẻ làm trung tâm. Ngay từ khi nhận trẻ, nhà trường đã có những quan sát, đánh giá để nắm được đặc điểm của từng trẻ. Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, có những đặc điểm, năng lực khác nhau và cách học cũng hoàn toàn khác nhau. Trong quá trình chăm sóc trẻ tại lớp, giáo viên phải luôn quan sát để hiểu trẻ. Để phát triển năng lực của trẻ, ngoài thực hiện chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ Mầm non của bộ GD&ĐT, trường MNTH Hoa Thủy Tiên còn xây dựng những chương trình nâng cao và chương trương trình bổ sung để phù hợp với đặc điểm phát triển của từng trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện, cụ thể:
1. Nhà trường đã tổ chức các hoạt động phòng chống SDD và béo phì cho trẻ
Đầu năm học, nhà trường chỉ đạo phòng y tế, phối hợp với giáo viên của các lớp tổng hợp danh sách những trẻ thừa cân, béo phì và những trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng để xây dựng kế hoạch chăm sóc riêng, giúp trẻ phát triển cân đối, khỏe mạnh. (Mỗi năm học, nhà trường có khoảng 2% trẻ nhẹ cân, SDD và 5% trẻ thừa cân, béo phì).
Nhà trường tổ chức họp với phụ huynh có trẻ thuộc diện nhẹ cân, SDD và thừa cân béo phì để tư vấn cho phụ huynh những tác hại của việc trẻ bị SDD hay béo phì, thống nhất với phụ huynh kế hoạch chăm sóc trẻ. Nhà trường đã nhận được sự ủng hộ và phối hợp tốt của phụ huynh trong việc tổ chức các hoạt động tăng cương thể lực và bữa ăn dinh dưỡng phù hợp cho từng trẻ.
Những trẻ nhẹ cân, SDD và thừa cân, béo phì được cán bộ y tế của trường cân đo và kiểm tra sức khỏe hàng tháng để theo dõi và thông báo cho giáo viên, phụ huynh học sinh, tổng hợp báo cáo BGH để nhà trường có những điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.
Kết quả đánh giá cuối mỗi năm học, số lượng trẻ nhẹ cận, SDD giảm từ 2% xuống còn 0.5%; trẻ thừa cân, béo phì giảm từ 5% xuống còn 3%, đặc biệt là các cháu đều phát triển cân đối và có sức khỏe tốt hơn, được phụ huynh ghi nhận và đánh giá cao.
2. Tổ chức cho trẻ ăn tự chọn và ăn theo nhu cầu
Nhà trường luôn coi trọng việc tổ chức bữa ăn cho trẻ. Ngoài việc đảm bảo cân đối dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm thì khâu chế biến và tổ chức bữa ăn để trẻ cảm thấy hấp dẫn và ngon miệng là vô cùng cấn thiết.
Nhà trường đã chỉ đạo tổ Dinh dưỡng xây dựng thực đơn đa dạng và cân đối dinh dưỡng. Mỗi bữa ăn của trẻ thường có từ 3- 4 món ăn. Giáo viên dạy trẻ cách lựa chọn và lấy thức ăn theo sở thích, nhu cầu của mình và ăn hết không bỏ thừa. Qua đó giúp trẻ luôn chủ động và rèn luyện kỹ năng tự phục vụ, ý thức trách nhiệm với bản thân. Vì vậy giáo viên không phải vất vả phục vụ trẻ, còn trẻ thì cảm thấy hạnh phúc, hứng thú và ăn ngon miệng hơn.
Bên cạnh đó, cuối mối tháng, nhà trường còn tổ chức một bữa tiệc Buffet cho tất cả trẻ ở các lớp tại sân trường. Hoạt động này giúp trẻ có nhiều cơ hội được trải nghiệm: Trẻ được làm quen với cách ăn bằng đĩa và rĩa, trẻ được đi lại để lấy thức ăn theo nhu cầu, trẻ có ý thức lấy đủ thức ăn và ăn hết không bỏ thừa, trẻ học cách xếp hàng để lấy thức ăn, trẻ biết cách ăn xong thì cất đồ dùng của mình vào đúng nơi quy định. Điều đặc biệt hơn cả là trẻ được giao lưu với rất nhiều anh, chị, em trong đại gia đình Hoa Thủy Tiên. Tất cả những trải nghiệm đó sẽ giúp trẻ tự tin và chủ động thích ứng trong những môi trường mới.
3. Chăm sóc giáo dục trẻ hòa nhập.
Quan điểm của nhà trường là chăm sóc, giáo dục phù hợp với đặc điểm của từng trẻ và công bằng với tất cả trẻ. BGH cùng giáo viên các lớp quan sát những trẻ gặp khó khăn và xác định dạng khó khăn của trẻ để xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho trẻ.
BGH nhà trường gặp riêng những phụ huynh có con gặp khó khăn để tư vấn, hướng dẫn họ cách chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà và thống nhất các hoạt động phối hợp giữa gia đình và nhà trường để hỗ trợ và tăng cường thêm cho trẻ.
Mỗi năm học, nhà trường có từ 15-20 trẻ gặp khó khăn về nhận thức, ngôn ngữ và hành vi giao tiếp ở mức nhẹ học hòa nhập tại các lớp. BGH đã hướng dẫn giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục hòa nhập cho từng trẻ. Giáo viên tổ chức các hoạt động hỗ trợ trẻ tại lớp và gửi kế hoạch cho phụ huynh hỗ trợ trẻ ở nhà.
Cuối mỗi học kì, nhà trường có lượng giá kết quả phát triển của trẻ. BGH gặp riêng phụ huynh của từng trẻ, trao đổi về kết quả phát triển của trẻ và thống nhất kế hoạch hỗ trợ tiếp cho trẻ tiếp theo.
Kết quả cuối năm học, 100% trẻ học hòa nhập đều tiến bộ và được phụ huynh tin tưởng đánh giá cao.
4. Tư vấn cho cha mẹ trẻ khi gặp khó khăn chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà.
Sự thống nhất quan điểm trong chăm sóc, giáo dục giữa gia đình và nhà trường sẽ giúp trẻ phát triển tốt nhất. Tuy nhiên, mỗi trẻ lại có những đặc điểm và tính cách khác nhau, mỗi phụ huynh lại có những quan điểm và nhận thức khác nhau trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Chính vì vậy, nhà trường luôn quan tâm đến việc tư vấn cho phụ huynh những phương pháp, nội dung, hình thức, cách thức chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà thông qua các buổi họp phụ huynh, sổ liên lạc hoặc trao đổi trực tiếp.
Ngoài ra, những phụ huynh có con đặc biệt, gặp nhiều khó khăn khi chăm sóc, giáo dục trẻ, có nhu cầu được tư vấn, BGH nhà trường lên lịch hẹn gặp riêng để lắng nghe trao đổi của phụ huynh và tư vấn cho phụ huynh phương pháp hỗ trợ cho trẻ.
5. Tổ chức đón sớm và cho trẻ ăn sáng tại trường
Đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, năm học 2019-2020, nhà trường đã tổ chức đón trẻ sớm và tổ chức cho trẻ ăn sáng từ 7h15 các ngày làm việc trong tuần.
Nhà trường lên kế hoạch phân công giáo viên đón trẻ sớm và tổ chức cho trẻ ăn sáng tập trung tại Hội trường. Giáo viên động viên, giúp trẻ ăn hết suất và kịp thời gian để tham gia các hoạt động tại lớp.
Bộ phận Dinh dưỡng lên thực đơn theo tuần, phân người đến sớm từ 5h30 để nấu bữa sáng đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực đơn được BGH duyệt trước khi thực hiện và thay đổi thường xuyên giúp trẻ ăn ngon miệng.
6. Tổ chức trông trẻ muộn
Theo quy định nhà trường đón trẻ từ 7h30 và trả trẻ muộn nhất là 17h15 các ngày trong tuần. Nhưng trên thực tế, nhiều phụ huynh làm ở xa không đón con đúng giờ. Để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, nhà trường đã tổ chức lớp trông trẻ muộn từ 17h15-18h30 hàng ngày.
Nhà trường lên lịch phân công giáo viên trông trẻ muộn. Giáo viên có nhiệm vụ chuẩn bị phòng lớp sạch sẽ, chuẩn bị chỗ ngồi và đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, tổ chức các hoạt động cho trẻ ở lớp trông muộn và đảm bảo an toàn cho trẻ.